Ảnh hưởng đến văn hóa hiện đại Freyja

Tượng của nữ thần Freya tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Con chim ó là một biểu tượng của Freya.

Ngày nay, Freya (và những dạng khác của tên này) đã trở thành một tên thông dụng dành cho nữ ở các nước Bắc Âu và Anh Quốc.

Theo các ngôn ngữ thuộc nhóm German (tiếng Đức, tiếng Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan...) ngày thứ Sáu được có nghĩa là "Ngày của Freya" (tiếng Đức là Freitag, tiếng Đức cổ là Friiatag).

Người Bắc Âu xem mèo và cây tầm gửi là linh thiêng và có liên quan tới Freya, nữ thần tình yêu. Họ thường cầu nguyện đến Freya để được hạnh phúc trong tình yêu, cho mèo ăn no trước lễ cưới[17] và đặt ra tục lệ hôn nhau dưới nhánh tầm gửi. Ngày nay ở Bắc Mỹchâu Âu, người ta vẫn có phong tục hôn nhau vào lễ Giáng sinh dưới một nhánh cây tầm gửi[18].

Freya còn được biết đến dưới rất nhiều tên khác, nhưng trong đó nổi tiếng nhất là Vanadis (Nữ thần của tộc Vanir)[3][11]. Vanir là một trong hai chủng tộc của các vị thần Bắc Âu, họ là chúa của người Elf (tiên), được mô tả như những người xinh đẹp và yêu hòa bình. Chủng tộc còn lại là Æsir, những vị thần ưa chiến tranh. Cái tên Vanadis sau này được dùng để đặt tên cho nguyên tố hóa học Vanadium bởi Nils Gabriel Sefström, nhà hóa học Thụy Điển đã phát hiện ra nó vào năm 1830[19].

Freya cũng là một nhân vật trong vở opera Der Ring des Nibelungen (Chiếc nhẫn của Nibelung) của nhà soạn kịch người Đức Richard Wagner. Vở opera này được viết dựa trên một bài thơ cổ của Đức là Nibelungenlied (Bài ca của Nibelung), nhưng nó có ảnh hưởng rất lớn đối với văn học thế giới hiện đại, và bộ truyện The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) sau này của nhà văn người Anh J. R. R. Tolkien cũng vay mượn nhiều chi tiết từ đó. Freya cũng xuất hiện trong loạt trò chơi điện tử của hãng tri-Ace của Nhật BảnValkyrie Profile.